Câu chuyện Trần Nhân Tông với Yên Tử
Non thiêng Yên Tử được rất nhiều du khách hành hương tìm về bởi sự linh thiêng và những giá trị lịch sử, văn hoá của một di tích quốc gia đặc biệt, một khu du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng. Còn trong lịch sử, từ hàng nghìn năm trước, các đạo sĩ đã đến đây tu tiên và đắc đạo; các tín đồ Phật giáo cũng tìm đến tu hành, mở mang xây dựng Yên Tử thành một quần thể chùa, am tháp quy mô lớn, trong đó có vua Trần Nhân Tông.
Vua con Trần Anh Tông và các triều thần nghênh đón vua cha, Phật hoàng Trần Nhân Tông khi Ngài tu hành đắc đạo, rời khỏi động Vũ Lâm trở về. (Trích đoạn bức tranh Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn chi đồ)
Dòng thiền nhập thế tích cực
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, từ thời Trần (1225-1400) Yên Tử được đầu tư xây dựng với quy mô lớn. Khởi đầu là vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh) đã đến Yên Tử tháng 4/1236. Vua Trần Nhân Tông, sau 2 lần chiến thắng quân Nguyên Mông vào các năm 1285 và 1288, khi đất nước thái bình thịnh trị, Ngài đã nhường ngôi cho con để tìm đến Yên Tử tu hành, chuyên tâm nghiên cứu Phật giáo.
Năm 1299, vua Trần Nhân Tông sáng lập nên dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, bằng cả một hệ thống lý thuyết và hành động gắn Đạo với Đời. Nối tiếp ông là Pháp Loa và Huyền Quang, họ đã trở thành 3 vị tổ của dòng thiền này. Từ đó, Yên Tử trở thành kinh đô tư tưởng của Phật giáo Trúc Lâm và tiếp tục được xây dựng, phát triển vào các đời sau. Quần thể các di tích chùa, am, tháp, mộ, bia, tượng... trải qua quá trình lịch sử đã gắn kết hài hoà với cảnh quan núi rừng hùng vĩ, thơ mộng trải dài hàng chục km của Yên Tử. Các giá trị văn hóa của Phật giáo Trúc Lâm từ đây cũng được nhiều thế hệ nối tiếp kế thừa, ngày một phát triển, lan tỏa tới nhiều vùng miền của cả nước và nhiều quốc gia khác trên thế giới cho tới ngày nay.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu cũng cho thấy, dòng thiền mà vua Trần Nhân Tông sáng lập đã có mầm mống và được ươm trồng từ hàng trăm năm trước đó, khi mà phật giáo Ấn Độ du nhập vào nước ta từ đầu công nguyên, tiếp theo đó là phật giáo Trung Quốc, tạo nên 2 dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông. Từ các dòng thiền nhập ngoại này và dòng thiền Thảo Đường thời Lý, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã hợp nhất và sáng lập dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Tháp Tổ Huệ Quang (Yên Tử), nơi đặt xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông. |
Nhiều chuyên gia đã cho rằng, Trúc Lâm Yên Tử là một tông phái Phật giáo Việt thành công nhất trong lịch sử Phật giáo nước ta, là hiện tượng độc đáo riêng có không chỉ của Việt Nam mà còn đóng góp vào kho tàng văn hoá phật giáo thế giới. Với tinh thần nhập thế tích cực, Phật giáo Trúc Lâm được xem là khác biệt so với các dòng thiền khác trên thế giới. Thậm chí, khi so sánh với các dòng thiền của Trung Quốc, thạc sĩ Giả Duy Khang (Trung Quốc) đã viết: “Đặc biệt, Trần Nhân Tông đã đề ra tư tưởng “cư trần lạc đạo”, thể hiện tính nhập thế của thiền phái Trúc Lâm rất nổi bật. Tuy thiền tông Trung Quốc cũng có tính nhập thế, nhưng hình như không một dòng thiền nào ở Trung Quốc nhập thế như thiền phái Trúc Lâm”.
Câu chuyện tu hành tựa huyền thoại Đức Phật
Như vậy, Phật giáo Trúc Lâm do Trần Nhân Tông sáng lập có sự kế thừa, tiếp nối và giao thoa từ các giá trị của phật giáo Ấn Độ, Trung Quốc vào thời Trần. Còn câu chuyện cuộc đời tu hành của vị sơ tổ Trúc Lâm lại có sự mô phỏng gần như nguyên vẹn câu chuyện hình thành phật giáo nguyên thủy ở Ấn Độ gắn với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Nếu như Đức Phật xuất thân từ hoàng gia thì Phật hoàng Trần Nhân Tông là vị hoàng đế thứ 3 của triều Trần. Nếu như Đức Phật có sự từ bỏ vĩ đại với cung vàng điện ngọc, vợ con êm ấm đi tu, thì Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng đã từ bỏ ngai vua cùng toàn bộ kinh đô Thăng Long và hoàng gia vào Yên Tử đi tu.
Các phật tử, du khách nghe giảng về cuộc đời, sự nghiệp tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông tại Yên Tử.
Nếu như Đức Phật đi đến Bồ Đề đạo tràng tu tập và thuyết giảng ở núi Linh Sơn thì Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng đến Yên Tử tham thiền nhập định ở am Thiền Định và các phòng đá (Thạch Thất), trước trú ở chùa Tử Tiêu, đào tạo ở chùa Lân, Hoa Yên với các tín đồ đến học đông như trẩy hội. Ở Ấn Độ có thánh địa Linh Sơn, ở Việt Nam có thánh địa Yên Tử. Nếu như Đức Phật phát nguyện khẳng định Phật tính bình đẳng thì Phật hoàng Trần Nhân Tông cùng các đệ tử có những hành động tương tự qua việc Tam Tổ đi khắp các hang cùng ngõ hẻm để dạy dân làm mười điều thiện...
Tương tự như Đức Phật, Phật hoàng có 3 đệ tử. Việc nhập niết bàn, các đệ tử xây tháp Thích Ca, các hoàng đế đến thăm Đức Phật nơi núi Linh Sơn đều được thấy lại gần tương tự như ở Yên Tử trong quá trình Phật hoàng Trần Nhân Tông tu tập và truyền đạo trong khu di sản cũng như toàn cõi Đại Việt và lân bang.
Tại Khu di tích (KDT) danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí), 16 chùa tháp ở đây lần lượt kể lại hành trình đầy đủ, chi tiết của giáo chủ Trần Nhân Tông từ lúc khởi hành vượt kinh đô đến Yên Tử tu tập, thành đạo. Đó là chùa Suối Tắm, nơi Ngài dừng lại tắm giặt, rũ sạch bụi trần. Chùa Cầm Thực, nơi Ngài uống nước suối thay cơm, thể hiện tinh thần quyết tâm tu tập. Chùa Giải Oan, nơi các cung nữ gieo mình khi không thuyết phục được Ngài về kinh, thể hiện quyết tâm không lùi bước.
Du khách hành hương nghe giới thiệu về chùa Hoa Yên (Yên Tử), nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông từng thuyết pháp năm xưa.
Chùa Vân Tiêu, nơi Ngài ở và trước tác; thác Ngự Dội và am Thiền Định là nơi Ngài ngồi hòa vào thiên nhiên tham thiền nhập định. Chùa Một Mái, nơi Ngài tập trung đọc sách, thiền định; Am Dược, Am Thung là nơi Ngài và các ngự y chế thuốc luyện đan vào mỗi mùa xuân. Chùa Lân, chùa Hoa Yên là nơi Ngài thuyết pháp; tháp Tổ là nơi đặt xá lị Ngài; là chùa Vân Tiêu, nơi Ngài ở và truyền tâm ấn cho Pháp Loa, Bảo Sái. Chùa Đồng (Thiên Trúc tự) và hình tượng Phật hoàng nhập niết bàn bằng đá gốc tự nhiên trên đỉnh núi Yên Tử, tượng trưng cho quá trình tu đạo viên mãn của Ngài.
Sức ảnh hưởng mạnh mẽ, rộng khắp
Các KDT còn lại trong quần thể di tích - danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang) đánh dấu sự mở rộng và phát triển đỉnh cao của Phật giáo Trúc Lâm. Trong đó, KDT nhà Trần tại Đông Triều đánh dấu sự thành công của Trúc Lâm qua việc ghi dấu nơi Phật hoàng hóa, nhập niết bàn và hình thành một hệ thống di tích thể hiện cho sự thành công đó. Đặc biệt, quần thể này có am - chùa Ngọa Vân là nơi vua Trần Nhân Tông khi đến Yên Tử tu hành đã dựng ở đây một am nhỏ để tu thiền và Ngài đã chọn nơi đây là nơi viên tịch những năm tháng cuối đời.
Tượng Phật hoàng nhập niết bàn theo dáng sư tử nằm (ảnh trên) tại am Ngọa Vân (Đông Triều) (ảnh dưới), mô phỏng theo tư thế nhập niết bàn của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
KDT Tây Yên Tử (tỉnh Bắc Giang) là nơi các di tích Trúc Lâm phát triển dày đặc và đặc biệt có chùa Vĩnh Nghiêm, một trong những trung tâm Phật giáo lớn của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, là trường đào tạo tăng ni đầu tiên ở Việt Nam. Cả ba vị Tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đều từng lấy chùa làm trung tâm truyền bá Phật pháp của dòng thiền này. Tại đây hiện còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật quý, đặc biệt là kho Mộc bản với hơn 3 nghìn bản đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào ngày 16/5/2012.
KDT Côn Sơn - Kiếp Bạc - Thanh Mai (tỉnh Hải Dương) là nơi đánh dấu sự phát triển đến đỉnh cao và toàn diện của Phật giáo Trúc Lâm thời Trần, gắn với Đệ nhị tổ Pháp Loa với tổ đình Thanh Mai và Đệ tam tổ Huyền Quang với tổ đình Côn Sơn.
Non nước Yên Tử với các giá trị lịch sử văn hóa còn hiện hữu cho tới hôm nay trong không gian rộng lớn trên địa bàn 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương vô cùng giá trị, đang được lập hồ sơ đề cử UNESCO công nhận là di sản thế giới. Điều đó không chỉ góp phần khẳng định những giá trị trường tồn của Yên Tử trong lịch sử dân tộc, mà còn vươn tầm mở rộng hơn là một câu chuyện di sản của toàn nhân loại...
Ngọc Mai (Bài viết có sử dụng tư liệu nghiên cứu của một số nhà khoa học)
Theo baoquangninh.com.vn
Tin tức khác
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 1 và lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên nhập ngũ năm 2025
- Hội nghị lần thứ 8 BCH LĐLĐ Thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 (hội nghị mở rộng)
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Phương Nam, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chi tiết việc trừ điểm/khôi phục điểm giấy phép lái xe
- Cơ quan Thuế cảnh báo về thông tin truy thu thuế 10% trên các giao dịch chuyển khoản mua - bán